Đào tạo văn hóa doanh nghiệp là một khía cạnh trong Đào tạo nội bộ nói chung và ngày nay được xem là một trong những hoạt động trọng yếu của tổ chức. Bởi nếu như việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã quan trọng, thì làm thế nào để đội ngũ thấu hiểu, tường tận và hình thành thói quen với những giá trị văn hóa ấy càng quan trọng hơn.
1. Đào tạo văn hóa doanh nghiệp là kiến tạo nền tảng vững chắc
Phát triển bền vững là hành trình khẳng định giá trị của doanh nghiệp theo thời gian. Đến được đích ấy, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp kiến tạo nên những di sản văn hóa của riêng mình.
Vì sao nói đào tạo văn hóa doanh nghiệp là kiến tạo nền tảng vững chắc?
Nếu ví doanh nghiệp như là một cái cây, thì phần thân, lá là những giá trị hiển thị bên ngoài. Còn văn hóa doanh nghiệp chính là bộ rễ. Hệ thống rễ càng tốt thì thân cây, tán lá càng khỏe mạnh. Đào tạo văn hóa doanh nghiệp chính là hoạt động nuôi nấng, giúp bộ rễ ấy ngày càng phát triển.
Theo chuyên gia Loan Văn Sơn (Tư vấn trưởng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Tư vấn và Huấn luyện triển khai TOPPION), thực chất, văn hóa doanh nghiệp được cấu tạo từ những giả định ngầm hiểu, chúng bổ trợ cho những giá trị cốt lõi, niềm tin và các nguyên tắc cũng như các yếu tố bề nổi mà doanh nghiệp thể hiện. Do đó, chúng chính là chìa khóa để thống nhất phong cách làm việc trong nội bộ.
Chìa khóa thống nhất phong cách làm việc
Điều kiện quyết định sự thành công hay thất bại của một chiến lược, kế hoạch không phải là nó hay đến đâu, đột phá đến mức nào, mà là tinh thần của những người thực thi. Nhiều người thường nghĩ kế hoạch thường thất bại khi đội nhóm thực thi “đồng sàn dị mộng”, dù cùng hội cùng thuyền nhưng lại không cùng chiến tuyến, mục tiêu. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đội ngũ thống nhất được mục tiêu, thống nhất đích đến nhưng vẫn không thành công. Do đâu?
Rất nhiều người trong chúng ta lầm tưởng những nguyên tắc, giá trị hay niềm tin được đồng thuận chính là chìa khóa tạo nên văn hóa, và là quy tắc thống nhất phong cách làm việc. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng. Thực chất, yếu tố chi phối, quyết định đến tác phong, hành động của một đội ngũ chính là những giả định ngầm hiểu, còn các quy tắc, giá trị hay niềm tin chỉ là yếu tố trung gian mà thôi. Sau khi xây dựng được những giả định ngầm hiểu này, hoạt động đào tạo văn hóa doanh nghiệp sẽ làm nhiệm vụ giúp đội ngũ thấu cảm, hiểu rõ ý nghĩa của chúng. Từ đó vận dụng và hình thành văn hóa.
Chẳng hạn như “đúng giờ” được xem là một trong những nguyên tắc của doanh nghiệp A, đó là nguyên tắc được đồng thuận. Điều đó không đồng nghĩa với việc tất cả những thành viên trong đội ngũ của doanh nghiệp A này xem việc đúng giờ là phong cách làm việc của họ mà đơn thuần là cấp độ tuân thủ. Tuy nhiên, nếu như xây dựng được giả định ngầm hiểu rằng “đúng giờ là tác phong làm việc chuyên nghiệp, là đại diện cho giá trị của con người tổ chức A”, và giả định này tồn tại trong mỗi con người, khi ấy, việc đúng giờ trở thành tác phong làm việc của mỗi cá nhân. Khi tất cả con người trong đội ngũ A xem việc đúng giờ là tác phong làm việc ở mọi hoàn cảnh, điều đó hình thành văn hóa đúng giờ của doanh nghiệp A. Như vậy, việc đào tạo văn hóa doanh nghiệp chính là hoạt động giúp tổ chức xây dựng, truyền đạt và củng cố những giả định ngầm hiểu, giúp doanh nghiệp kiến tạo nền tảng vững chắc.
Kiến tạo những di sản mang tính lịch sử của doanh nghiệp
Những doanh nghiệp Nhật Bản nổi tiếng trên thế giới với những mô hình, hệ thống quản trị nổi tiếng như 5S, Kaizen,… Người Do Thái được cả thế giới biết đến với văn hóa đọc sách, trí tuệ hàng đầu và tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ. Đó là thành quả của những bộ óc tư duy hệ thống và truyền bá hiệu quả. Có thể nói, các doanh nghiệp nghiệp Nhật đã làm tốt việc đào tạo văn hóa doanh nghiệp theo mô hình mà họ đúc kết, nâng chúng thành một công cụ quản trị mang tính toàn cầu. Người Do Thái đã thành công trong việc đúc kết kinh nghiệm, trí tuệ và truyền bá chúng hiệu quả.
Doanh nghiệp cũng giống như những quốc gia thu nhỏ. Nếu chúng ta làm tốt việc xây dựng những giá trị văn hóa đặc trưng, đào tạo văn hóa doanh nghiệp hiệu quả, duy trì và phát huy nền tảng văn hóa ấy theo thời gian sẽ tạo nên những di sản mang tính lịch sử. Hẳn nhiên ai cũng hiểu khi một giá trị văn hóa trở thành di sản, chúng trở thành một nền tảng vững chắc cho sự phát triển.
Văn hóa doanh nghiệp chỉ thực sự mang giá trị lịch sử khi qua nhiều năm, từ người đứng đầu đến những vị trí thấp nhất trong doanh nghiệp đều thấm đặc trưng của nó.
2. Đào tạo văn hóa doanh nghiệp là “bắt cầu” hợp tác nội bộ
Đào tạo văn hóa doanh nghiệp trong nội bộ cũng giống như bắt những chiếc cầu, không chỉ kết nối giữa các phòng ban, mà còn kết nối đội ngũ thực thi với những chiến lược và tầm nhìn.
Kết nối nội bộ, hợp tác liên phòng ban
Văn hóa doanh nghiệp cũng giống như huyết mạch của một doanh nghiệp. Các phòng ban là các chi của cơ thể ấy. Mặc dù không hiện hữu bên ngoài, nhưng chúng lại là nguồn nuôi dưỡng sự sống và hoạt động của toàn bộ những bộ phận trên cơ thể. Tuy nhiên, một trong số những căn bệnh phổ biến ở các doanh nghiệp từ lớn đến bé chính là vấn đề hợp tác liên phòng ban. Trong cuốn sách Leader Mindset – Thay đổi tư duy lãnh đạo, tác giả Loan Văn Sơn đã chỉ ra rất nhiều điển hình dẫn đến tình trạng hợp tác liên phòng ban kém. Đa phần những mâu thuẫn phát sinh do sự khác biệt về tư duy và phong cách làm việc. Chìa khóa hóa giải những vấn đề này không gì khác là giải quyết điểm nghẽn của các mao mạch trong cơ thể nối trên. Đào tạo văn hóa doanh nghiệp chính là giải pháp để khai thông điểm nghẽn ấy.
Bởi như đã nói ở mục 1, văn hóa doanh nghiệp là “chìa khóa thống nhất phong cách làm việc”. Khi xây dựng được văn hóa doanh nghiệp ở cấp độ sâu nhất (những giả định ngầm hiểu) đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mở khóa được những điểm nghẽn trong hợp tác nội bộ.
“Bắt cầu” để ứng dụng các công cụ quản trị hiện đại
Phần lớn các công cụ quản trị hiện đại ngày nay có nguồn gốc từ các quốc gia khác trên thế giới. Bởi sự khác biệt về tư duy và văn hóa, đa phần việc ứng dụng các công cụ này tại doanh nghiệp Việt Nam không đem lại hiệu quả như mong đợi. Chính vì vậy, trước khi bắt đầu tái cấu trúc hay ứng dụng những công cụ quản trị như ERP, BSC, OKR,… điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải xây dựng thành công nền tảng văn hóa doanh nghiệp phù hợp.
Tuy nhiên, xây dựng chỉ là bước đầu. Hoạt động đào tạo văn hóa doanh nghiệp là vô cùng cần thiết để đội ngũ thấm nhuần văn hóa, cài đặt tư duy mới. Các nguyên tắc văn hóa tối thượng lúc này trở thành kim chỉ nam cho quá trình hiện thực hóa tầm nhìn, chiến lược và trở thành cầu nối cho các công cụ quản trị phát huy hiệu quả. Thiếu đi điều này, ERP, BSC, OKR, KPIs,… sẽ trở thành những món đồ trang trí.
3. Đào tạo văn hóa doanh nghiệp là kiến tạo bản sắc
Thương hiệu trong tuyển dụng và giữ chân nhân tài không được xây dựng từ lương thưởng hay bổng lộc, mà được được xây dựng từ văn hóa doanh nghiệp.
Chìa khóa định vị thương hiệu
Thời gian gần đây, khi nhắc đến thương hiệu doanh nghiệp Việt, người ta nghĩ ngay đến Vinamilk hay Vingroup. Nếu như Vinamilk nổi tiếng với thương hiệu dẫn đầu lĩnh vực sữa nước, thì Vingroup lại nổi trội với thương hiệu Vinfast vào đầu năm nay. Khi 2 cái tên này càng trở nên nổi bật, cụm từ văn hóa doanh nghiệp Vinamilk và văn hóa doanh nghiệp Vingroup lại trở thành từ khóa được tìm kiếm. Thậm chí người ta còn chuyền tay nhau những nguyên tắc văn hóa tối thượng của Vinamilk. Điều đó cho thấy giữa văn hóa doanh nghiệp và việc định vị thương hiệu có một mối tương quan sâu sắc. Với kinh nghiệm hợp tác tư vấn, đào tạo văn hóa doanh nghiệp cho Vinamilk và một vài công ty con của Vingroup, TOPPION cho rằng những giá trị văn hóa cốt lõi sẽ tạo nên giá trị con người. Từ những giá trị con người sẽ góp phần tạo nên giá trị thương hiệu.
Chìa khóa chiêu mộ và giữ chân nhân tài
Khi văn hóa doanh nghiệp đủ mạnh và trở thành đặc trưng của đội nhóm thì văn hóa ấy có khả năng tạo nên thương hiệu của cá nhân và ngược lại. Đa phần các doanh nghiệp đều săn đón những cá nhân từng làm việc ở doanh nghiệp tên tuổi, có văn hóa mạnh. Chính vì vậy, phần lớn nhân sự giỏi đều tìm kiếm một môi trường làm việc có đặc thù văn hóa ưu việt.
Mặt khác, nhân tài thường gắn bó hay rời bỏ một tổ chức không phải vì chính sách đãi ngộ hay bổng lộc, mà thường vì điều kiện phát triển năng lực. Vì vậy, một doanh nghiệp có nền tảng văn hóa lý tưởng, cùng với hoạt động đào tạo văn hóa doanh nghiệp nội bộ thường xuyên được xem là nơi làm việc lý tưởng của những nhân sự có tinh thần cầu tiến. Vì vậy, văn hóa doanh nghiệp và hoạt động đào tạo nội bộ là một trong những lợi thế cạnh tranh trong định vị thương hiệu và giữ chân nhân tài.
Nguồn: Toppion Group